viết thuê luận văn 99
DỊCH VỤ HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU & VIẾT THUÊ LUẬN VĂN UY TÍN NHẤT
HOTLINE: 0989-546-803
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tăng trưởng tín dụng là gì? Các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng thương mại và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, việc xác định các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng là điều cần thiết để đưa ra các chính sách cân đối phù hợp, đảm bảo phát triển đồng bộ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm tăng trưởng tín dụng là gì cũng như nội dung  và các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Tăng trưởng tín dụng là gì?

Tăng trưởng tín dụng được đề cập trong nghiên cứu của Lane P. R., McQuade P. (2014) như là một sự gia tăng trong giá trị dư nợ cho vay trong khu vực tư nhân (bao gồm cả đối tượng là các cá nhân và các tổ chức). Một khi quy mô tín dụng gia tăng, khách hàng có thể vay mượn được nhiều hơn để sử dụng cho các mục đích chi tiêu, đầu tư và kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến (2013) thì tăng trưởng tín dụng là việc các ngân hàng thương mại sử dụng chính sách nhằm tăng nguồn vốn huy động, đáp ứng cho việc cấp tín dụng, chiết khấu, đầu tư vào những đối tượng là các tổ chức kinh tế, cá nhân,… có nhu cầu vay vốn, từng bước nâng cao lợi nhuận, thị phần và thương hiệu trên thị trường.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng được hiểu là sự tăng lên của các khoản tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trong nền kinh tế. Việc ngân hàng gia tăng các khoản tín dụng có ý nghĩa quan trọng và là điều rất cần thiết để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân  trong quá trình phát triển của toàn xã hội.

Xét theo góc độ tính toán, tăng trưởng tín dụng ngân hàng là tỷ lệ phần trăm sự tăng lên (hoặc giảm xuống) của lượng giá trị tiền tệ mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho cho các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác của mình trong nền kinh tế ở kỳ này so với kỳ trước. Trong trường hợp tín dụng tăng trưởng dương, nền kinh tế sẽ có thêm một lượng cung tiền tương ứng được đưa vào lưu thông dưới dạng bút tệ. Ngược lại, tín dụng tăng trưởng âm thể hiện một xu hướng thắt chặt, eo hẹp hơn trong cung tiền, tất nhiên kéo theo những tác động nhất định đến nền kinh tế.

tang_truong_tin_dung_la_gi_luanvan99
Tăng trưởng tín dụng là gì?

Có thể bạn quan tâm:

Tổ chức tín dụng là gì? Các hình thức tổ chức tín dụng ở Việt Nam

Công thức tính tốc độ tăng trưởng tín dụng

Với khái niệm là một chỉ tiêu mang tính tương đối, tăng trưởng tín dụng được tính toán bằng cách so sánh tốc độ tăng/ giảm của giá trị cấp tín dụng ở thời điểm tính với giá trị cấp tín dụng ở thời điểm so sánh. Tuỳ thuộc vào mốc thời điểm so sánh mà tăng trưởng tín dụng sẽ mang ý nghĩa là tốc độ tăng trưởng so với kỳ gốc hay tăng trưởng liên hoàn.

Tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của giá trị tín dụng tại thời điểm tính tăng trưởng ti (thường tính bằng năm) với giá trị tín dụng tại thời điểm làm gốc so sánh t0. Công thức tính toán tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc như sau:

Tốc độ tăng trưởng tín dụng = [(Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti / Giá trị cấp tín dụng thời điểm t0) - 1]* 100%

Tăng trưởng tín dụng liên hoàn là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của giá trị tín dụng tại thời điểm tính tăng trưởng ti (thường tính bằng năm) với giá trị tín dụng tại thời điểm liền kề trước đó ti-1. Với cách tính này, tình hình biến động của tín dụng sẽ được phản ánh liên tục qua các mốc thời gian liền kề nhau, và tích các chỉ số tăng trưởng liên hoàn sẽ bằng chỉ số tăng trưởng so với kỳ gốc tương ứng. Công thức tính toán tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc như sau:

Tốc độ tăng trưởng tín dụng = [(Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti / Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti-1) - 1]* 100%

Lưu ý rằng trong cả hai cách tính nêu trên, giá trị cấp tín dụng tại các thời điểm so sánh bao gồm toàn bộ giá trị các khoản mục được xem là cấp tín dụng theo các quy định mang tính pháp lý của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ và cần được phân biệt với chỉ tiêu cho vay khách hàng. 

Một số chỉ tiêu đo lường tăng trưởng tín dụng

Nhà quản trị ngân hàng và các bên liên quan có thể đo lường mức độ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số chỉ tiêu đo lường sau:

Tốc độ tăng huy động vốn: Đây là chỉ tiêu phản ánh quy mô và tốc độ huy động vốn của ngân hàng thương mại. Nếu tốc độ huy động vốn của kỳ sau cao hơn so với kỳ trước thì ta nhận định rằng tốc độ huy động vốn tăng, quy mô hoạt động mở rộng. Ngược lại, nếu tốc độ huy động vốn của kỳ sau giảm so với kỳ trước thì là giảm tốc độ huy động, quy mô bị thu hẹp. Công thức tổng quát như sau: 

Tốc độ tăng huy động vốn = (Vốn huy động kỳ này – Vốn huy động kỳ trước) / Vốn huy động kỳ trước

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng: Là chỉ số phản ánh tốc độ tăng dư nợ của ngân hàng thương mại/ Nếu dư nợ tín dụng của kỳ sau cao hơn kỳ trước tức là ngân hàng thương mại đã cung ứng đủ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế và ngược tại. Ta có công thức tính tốc độ tăng dư nợ tín dụng: 

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng = (Dư nợ tín dụng kỳ này – Dư nợ tín dụng kỳ trước) / Dư nợ tín dụng kỳ trước

Cơ cấu tín dụng: Chỉ số này phản ánh tỷ lệ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại dựa theo kỳ hạn, đối tượng hoặc ngành nghề của khách hàng. Cơ cấu tín dụng giúp ngân hàng tính toán được các chỉ tiêu đảm bảo an toàn về tín dụng, thanh khoản hoặc điều chỉnh hướng cho vay tín dụng theo chiến lược phát triển của ngân hàng hay chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Công thức tính tỷ lệ cơ cấu tín dụng: 

Tỷ lệ cơ cấu tín dụng = (Dư  nợ tín dụng theo đối tượng / kỳ hạn / ngành nghề) / Tổng dư nợ tín dụng 

Vai trò & chức năng của tăng trưởng tín dụng là gì?

Thứ nhất, cải thiện toàn bộ lực lượng sản xuất trong nền kinh tế theo hướng nhiều

hơn về lượng và tốt hơn về chất. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng có nghĩa là lượng cung tiền được bơm vào nền kinh tế tăng lên. Chính sự tăng lên này kéo theo rất nhiều sự thay đổi: khả năng tiếp cận nguồn vốn của các chủ thể cần vốn có xu hướng tăng lên, nguồn cung tiền cho các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, cho đầu tư phát triển, máy móc thiết bị, công nghệ, phần mềm, nguồn nhân lực,.. cũng vì thế mà tăng lên. Kết quả tất yếu kéo theo là toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng về mặt quy mô. 

Thứ hai, nâng cao đồng thời cả quy mô và chất lượng của tín dụng. Tăng trưởng tín dụng gia tăng đồng nghĩa với việc quy mô tín dụng toàn nền kinh tế tăng lên, đồng thời, được dẫn trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư của các thành phần trong nền kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế chọn lọc được những cá thể khỏe mạnh: các công ty có tình hình tài chính tốt, kinh doanh hiệu quả sẽ xem đây là cơ hội, tận dụng thế mạnh trong việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng lớn, chất lượng để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô,…. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động yếu kém sẽ gặp khó khăn và buộc phải phụ thuộc vào những doanh nghiệp lớn, bị mua lại, hoặc phải sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn. Hệ quả của quá trình tập trung sản xuất này là các doanh nghiệp nhỏ mất đi và dần hình thành những nhóm công ty, những tập đoàn với quy mô ngày càng mở rộng.

Thứ ba, là một công cụ giúp Nhà nước trong việc điều hành và quản lý vĩ mô. Theo đó, thông qua việc điều tiết tăng trưởng tín dụng bằng những biện pháp gián tiếp hoặc hành chính trực tiếp, Nhà nước có thể kiểm soát được độ lớn của lượng cung tiền được bơm vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng (bằng hình thức tín dụng). Với chính sách tiền tệ mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng lưu thông hàng hoá được tăng cường và được Nhà nước khuyến khích; và ngược lại khi muốn kiểm soát lạm phát và giá cả, chính sách tiền tệ thắt chặt với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mục tiêu được kiểm soát ở mức thấp sẽ được áp dụng.

Ý nghĩa của tăng trưởng tín dụng ngân hàng là gì?

Tín dụng ngân hàng gia tăng sẽ thúc đẩy gia tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế thông qua việc người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp có thể gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó tạo việc làm và sinh lợi trên vốn đầu tư. Tăng trưởng kinh tế khuyến khích mở rộng tín dụng thông qua nhu cầu về dịch vụ tài chính.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng theo chiều hướng tích cực sẽ tạo ra một lực lượng sản xuất và xã hội phát triển. Các ngân hàng sẽ góp phần tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thông qua việc cung cấp nguồn vốn tín dụng,đẩy nhanh quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Tăng trưởng tín dụng là biểu hiện của quá trình tích tụ và tập trung sản xuất. Thông qua tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế rút ngắn được thời gian tích lũy vốn, tăng khả năng mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Tín dụng tăng lên là lượng cung tiền trong nền kinh tế tăng lên. Qua đó, Chính phủ có thể điều hành chính sách tiền tệ thông qua các quyết định liên quan đến sự tăng trưởng tín dụng, góp phần ổn định tiền tệ và phát triển của nền kinh tế.

Hiểu rõ về các động lực tăng trưởng tín dụng là điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay vì có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế sôi nổi bằng cách chuyển tiền tiết kiệm vào đầu tư.

Xem thêm:

Rủi ro tín dụng là gì? Cơ sở lý luận về rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại

Các nghiên cứu về yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng

Tác giả T. Tamirisa và Deniz O.Gian (2007) đã thực hiện đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và sự ổn định của ngân hàng thương mại tại một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi ở Châu Âu”. Nghiên cứu được tiến hành ở 217 quốc gia mới nổi giai đoạn 1995-2004 đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng gồm: Tốc độ tăng GDP, tính chất sở hữu ngân hàng, khả năng thanh toán và chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi.

Burcu Aydin (2008) thực hiện nghiên cứu mang tên “Cấu trúc hệ thống ngân hàng và một số các nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các nước Trung Âu và Đông Âu. Nghiên cứu thực hiện tại 72 ngân hàng thương mại đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng gồm: Tỷ lệ thay đổi các khoản vay ròng của ngân hàng, tổng tài sản so GDP, tiền gửi/ tổng tài sản, Nợ phải trả/ tổng tài sản, ROA, ROE, lãi biên ròng, chi phí trên thu nhập và nợ xấu.

Kai Guo và Vahram Stepanyan ( 2011) thực hiện nghiên cứu mang tên “Các nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại tại 38 nước có nền kinh tế mới nổi” tại các ngân hàng thương mại của 38 nước đã chỉ ra các yếu tố sau: Tín dụng ngân hàng, nợ ngân hàng nước ngoài,tiền gửi ngân hàng, GDP thực tế, lạm phát,lãi suất huy động, tỷ gái đối hoái, lãi suất FED, cung tiền M2 của Mỹ và tỷ lệ nợ xấu.

Nguyễn Thùy Dương và Trần Hải Yến (2011) đã thực hiện đề tài “Các nhân tố tác động đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng tại Việt Nam năm 2011 thực hiện tại 84 ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2011 đã chỉ ra các nhân tố sau: Tính chất sở hữu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng vốn huy động so với đầu năm 2011, tính thanh khoản của các ngân hàng, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu, chênh lệch giữa lãi suất bình quân cho vay và lãi suất bình quân huy động.

Lê Tấn Phước (2016) thực hiện nghiên cứu “Một số yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng thương mại Việt Nam” tại các ngân hàng thương mại giai đoạn 2008-2015 đã chỉ ra các yếu tố sau: tỷ lệ huy động, tỷ lệ nợ xấu,tỷ lệ vốn, tỷ lệ thanh khoản, quy mô ngân hàng, lãi suất, tăng trưởng GDP, lãi suất, tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát.

Các nhân tố cơ bản tác động đến tăng trưởng tín dụng

Nhóm nhân tố vĩ mô ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng là gì?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP): Khi GDP tăng thể hiện nền kinh tế đang tăng trưởng, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang hoạt động hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng sản xuất, mở rộng quy mô nhằm tăng hiệu quả hoạt động nên tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, GDP giảm, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp và kìm hãm sự tăng trưởng tín dụng. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tác động cùng chiều đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng.

Tình hình lạm phát: Khi nền kinh tế có lạm phát cao, ngân hàng nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm giảm khối lượng tiền tệ lưu thông nên khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng bị hạn chế. Bên cạnh đó, lạm phát cao, giá trị của đồng nội tệ giảm khiến người dân không còn mặn mà trong việc gửi tiền, tìm kiếm những kênh đầu tư khác an toàn hơn khiến tình hình huy động vốn của ngân hàng gặp khó khăn.

Tỷ giá đối hoái: Khi tỷ giá đối hoái tăng sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước do giá trị đồng nội tệ giảm, kích thích hoạt động xuất khẩu nên nhu cầu vay vốn kinh doanh tăng khiến tăng trưởng tín dụng tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của cá nhân và hộ gia đình làm giảm nhu cầu tín dụng của các chủ thể trong nền kinh tế.

Mức độ phát triển của thị trường tài chính: Mối quan hệ giữa ngân hàng và thị trường tài chính trong nước có hai tác động ngược chiều. Thị trường tài chính phát triển sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, khiến các hoạt động tín dụng cho vay của ngân  hàng thương mại giảm. Mặt khác, ngành ngân hàng và thị trường tài chính có mối quan hệ hỗ trợ nhau. Sự phát triển của thị trường tài chính làm cho nhu cầu trung gian thanh toán qua ngân hàng gia tăng từ đó gia tăng nhu cầu tín dụng của các chủ thể.

Nhóm nhân tố nội bộ ngân hàng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng là gì?

Quy mô ngân hàng: Quy mô ngân hàng tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Ngân hàng có quy mô lớn sẽ thuận lợi trong việc gia tăng mức độ cấp tín dụng cho khách hàng so với các ngân hàng khác.

Nguồn vốn huy động: Với vai trò trung gian điều tiết vốn của nền kinh tế, ngân hàng là nơi tập trung vốn của nền kinh tế và cũng từ đó bơm trở lại vào nền kinh tế ở những nơi cần vốn. Chính vì vậy, để thực hiện được các hoạt động tín dụng (và phi tín dụng), ngân hàng buộc phải có nguồn vốn huy động ở trạng thái sẵn sàng để sử dụng với mục đích cấp tín dụng. Như vậy, với vai trò là tiền đề, là nguyên liệu cho hoạt động cấp tín dụng, nguồn vốn huy động tăng sẽ thúc đẩy khả năng tăng của các khoản cấp tín dụng.

Chất lượng tín dụng: Nếu như nguồn vốn huy động là đầu vào cho quá trình cấp tín dụng thì để đo lường hiệu quả của hoạt động cấp tín dụng ngân hàng, lại được biểu thị bằng chất lượng các khoản cấp tín dụng, hay thường được gọi bằng nợ xấu của các ngân hàng. Và giữa hai tiêu chí này có mối tương quan nhất định. Một cách dễ hiểu thì chất lượng các khoản cấp tín dụng thời điểm này sẽ là một trong những cơ sở chính, có ý nghĩa tác động đến quyết định của các ngân hàng trong tương lai khi thực hiện cấp tín dụng, nhằm hạn chế tối đa việc thất thoát vốn hoặc chất lượng tín dụng giảm mạnh khi không quản trị được các rủi ro. Cụ thể, nếu hoạt động cấp tín dụng có hiệu quả, mức nợ xấu so với tổng dư nợ thấp thì ngân hàng thương mại sẽ cân nhắc trong việc tiếp tục mở rộng tín dụng (và ngược lại), từ đó khiến cho tỷ lệ cấp tín dụng gia tăng. Và ngược lại, việc tăng trưởng tín dụng sẽ trở nên thận trọng hơn, thậm chí hạn chế nếu tỷ lệ nợ xấu ở mức cao.

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA): Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản là thước đo phản ánh mức độ hoạt động hiệu quả của các ngân hàng thương mại. ROA gia tăng cho thấy các ngân hàng đang hoạt động hiệu quả, tạo ra được nhiều lợi nhuận sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1: Chỉ tiêu này thể hiện mức độ vốn tự có so với tổng tài sản rủi ro của các ngân hàng thương mại. Chỉ tiêu an toàn vốn cấp 1 càng lớn cho thấy các ngân hàng này càng ít rủi ro trong hoạt động của mình, ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên vốn tự có nên sẽ có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp.

Tính thanh khoản của ngân hàng: Chỉ tiêu này thể hiện mức độ đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại phải có đủ các tài sản có  tính thanh khoản cao nhất để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền và các khoản tiền gửi thanh toán. Khi tính thanh khoản của ngân hàng càng cao cho thấy hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ thấp hơn. Mối quan hệ giữa tính thanh khoản của ngân hàng và tăng trưởng tín dụng là quan hệ ngược chiều.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tăng trưởng tín dụng là gì và những nội dung khác xoay quanh vấn đề tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Luận Văn 99 hy vọng những kiến thức này đã mang lại cho các bạn nguồn tham khảo hữu ích.

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN LUẬN VĂN
Họ tên (*)
Địa chỉ Email (*)
Số điện thoại (*)
 
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM
THÔNG TIN LIÊN HỆ - LUẬN VĂN 99

DỊCH VỤ HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU

- VP Hà Nội: Tòa nhà Nam Đô, 609 Trương Định, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

- VP HCM: Tòa nhà Dali, 24C, Phan Đăng Lưu, P.6, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0989-546-803

Email: dichvuluanvan99@gmail.com

Copyright © 2008 by LV99 - Top các dịch vụ viết thuê luận văn uy tín