Trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 35 năm 1992 đã xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Với mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược trong đó xã hội hóa giáo dục được xem là một trong những quan điểm phát triển và là giải pháp quan trọng trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo. Vậy xã hội hóa giáo dục là gì? Vai trò và nội dung của xã hội hóa giáo dục gồm những gì? Để hiểu rõ về nội dung này, chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Nhằm giúp bạn đọc có thể hiểu một cách sâu sắc thế nào là xã hội hóa giáo dục, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về các khái niệm: giáo dục, xã hội hóa và sau cùng là xã hội hóa giáo dục.
Dưới đây ta sẽ xem xét một số định nghĩa về giáo dục:
Theo từ điển giáo dục học, giáo dục được định nghĩa là hệ thống các biện pháp tác động nhằm mục đích truyền thụ những kiến thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức giúp hình thành nhân cách và phát triển phẩm chất, năng lực của con người. (Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, Bùi Hiền, 2001).
Theo giáo trình Sự phát triển các quan điểm giáo dục: Giáo dục là một loại hình, lĩnh vực hoạt động xã hội rộng lớn được hình thành do nhu cầu phát triển, tiếp nối các thế hệ trong đời sống xã hội thông qua quá trình truyền thụ tri thức và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội của các thế hệ trước cho các thế hệ sau. (Trần Khánh Đức, 2011).
Còn theo giáo trình giáo dục học đại cương (Trần Thị Hương, Nguyễn Đức Danh, Hồ Văn Liên, Ngô Đình Qua, 2017) lại đưa ra khái niệm về giáo dục như sau: Giáo dục là hoạt động truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội từ thế hệ trước cho thế hệ sau nhằm chuẩn bị cho thế hệ sau tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội. Theo nghĩa rộng, giáo dục là những tác động có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người. Còn xét theo nghĩa hẹp, giáo dục là là những tác động có mục đích, có kế hoạch nhằm tổ chức, hướng dẫn người được giáo dục hình thành và phát triển phẩm chất của nhân cách.
Từ những khái niệm trên, ta có thể rút ra một khái niệm chung nhất về giáo dục: Giáo dục là quá trình truyền thụ và lĩnh hội những tri thức, kinh nghiệm và kỹ xảo nhằm mục đích chuẩn bị cho con người bước vào cuộc sống lao động và sinh hoạt xã hội; Giáo dục là một nhu cầu tất yếu của xã hội loài người, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Giáo dục luôn được quy định bởi điều kiện, định hướng về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội cụ thể. Không có xã hội nào có thể tồn tại mà không có giáo dục và mọi sự giáo dục đều nhằm mục đích phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội.
Khái niệm giáo dục là gì?
Xem thêm:
➢ Quản lý giáo dục là gì? Cơ sở lý luận về quản lý giáo dục trong nhà trường
Thuật ngữ “xã hội hóa” (Tiếng Anh: Socialization) là một thuật ngữ bắt đầu được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới từ những năm đầu của thế kỷ XX. Từ đó đến nay thuật ngữ này ngày càng được dùng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới và được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.
Theo tác giả Clive R. Belfield và Henry M. Levin (2002), xã hội hóa được định nghĩa là sự chuyển đổi các hoạt động, tài sản và trách nhiệm từ tổ chức của chính phủ sang cho các cá nhân và tổ chức tư nhân.
Tương tự, tác giả Phạm Thị Thu Hương (2017) cũng nhận định: Xã hội hóa là quá trình chuyển giao các nhiệm vụ, nội dung thuộc chính sách xã hội mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện sang cho các tổ chức ngoài nhà nước và người dân thực hiện trên cơ sở các quy chuẩn theo yêu cầu của nhà nước.
Bên cạnh cách hiểu của các ngành khoa học, theo Cao Thu Hằng, 2016) xã hội hóa ở Việt Nam còn được hiểu theo nghĩa là tăng cường sự chú ý, quan tâm của toàn thể nhân dân tham gia vào một vấn đề, công việc nào đó mà từ trước đến nay chỉ do nhà nước độc quyền.
Từ những quan điểm nêu trên, ta có thể thấy rằng thuật ngữ xã hội hóa được sử dụng khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng xét về bản chất, ta có thể hiểu rằng, xã hội hóa là quá trình tăng tính xã hội trong các lĩnh vực, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động xã hội, thực hiện các nhiệm vụ mà nhà nước không nhất thiết phải làm, góp phần duy trì và tái sản xuất xã hội. Cốt lõi của xã hội hóa là sự tương tác, mối liên hệ và thuộc tính vốn có của con người, của cộng đồng nhằm đáp ứng lại xã hội và chịu ảnh hưởng của xã hội.
Khái niệm xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII (1993), nhận định:
"Xã hội hóa giáo dục là việc huy động toàn toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước”.
Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ cho rằng:
"Xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân”.
Từ các khái niệm trên, có thể hiểu rằng xã hội hóa giáo dục (Tiếng Anh: Socialization of education) là việc chuyển giao chức năng giáo dục, đào tạo của xã hội từ khu vực công sang khu vực tư. Xã hội hóa giáo dục đồng hành với đổi mới từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường là hướng chia sẻ trách nhiệm các dịch vụ công từ Nhà nước sang khu vực dân sự. Xã hội hóa giáo dục cũng gắn liền với việc xác định chức năng xã hội của nhà nước là dẫn dắt bằng thể chế, chính sách và tranh tra, kiểm tra thay cho trực tiếp vận hành cách thể chế kinh tế, văn hóa và giáo dục. Hay nói cách khác, xã hội hóa giáo dục là việc huy động toàn xã hội, các cá nhân, tổ chức tham gia làm giáo dục, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đóng góp sức người, sức của xây dựng giáo dục nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu giáo dục nhà trường đã đề ra.
Khái niệm xã hội hóa giáo dục là gì?
Bạn đang tìm kiếm tài liệu về xã hội hóa giáo dục để phục vụ cho công tác viết luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục? Bạn cần ý tưởng phát triển đề tài hay hỗ trợ trong quá trình viết luận? Tham khảo dịch vụ viết luận văn thạc sĩ của chúng tôi để nhận được sự trợ giúp ngay bây giờ nhé! |
Giáo dục là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội đồng thời sự tồn tại và phát triển của xã hội luôn chịu sự chi phối của trình độ phát triển giáo dục. Do đó, giáo dục được xem là động lực phát triển đời sống xã hội, không thể tách rời đời sống xã hội, tức là không có xã hội nào có thể phát triển mà lại tách rời với vai trò lịch sử của một nền giáo dục. Giáo dục phải là sự nghiệp của toàn xã hội, xã hội phải tham gia vào sự nghiệp giáo dục thì mới đảm bảo giáo dục phát triển một cách hiệu quả và chất lượng.
Trong thời gian qua, do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chúng ta đã làm cho ngành giáo dục rơi vào thế đơn độc, không thu hút được sự đóng góp của các lực lượng trong xã hội khiến ngành giáo dục không đáp ứng được nhu cầu học tập của người học và nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Việc trả lại bản chất xã hội của giáo dục là việc làm phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trong thực tế, ngân sách Nhà nước còn hạn chế nên chưa đáp ứng được những yêu cầu phát triển giáo dục nên thông qua con đường xã hội hóa công tác giáo dục, huy động các nguồn đầu tư khác nhau từ các lực lượng xã hội, thực hiện con đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm” làm giải pháp tốt để phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo.
Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục không chỉ mang lại lợi ích về vật chất mà còn chứa nhiều yếu tố thuộc tiến trình của sự phát triển, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về mặt tổ chức thể chế, xã hội hóa giáo dục là sự kiểm chứng việc phân định chức năng của nhà nước, của công quyền với chức năng của các thể chế tư nhân với đoàn thể và các tổ chức phi công quyền như các hiệp hội.
Thứ hai, về chiến lược cải cách hành chính, xã hội hóa giáo dục là động thái tốt nhất cho chính sách giảm biên chế khu vực công- một gánh nặng ngân sách.
Thứ ba, xã hội hóa giáo dục là sự tăng các trường ngoài công lập, giảm các trường công, tăng khu vực tư, giảm khu vực công trong dịch vụ dân sự, thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Điều đó giúp giảm đi đáng kể chi tiêu công cho các việc mà nhà nước phải đầu tư hằng năm với hàng nghìn tỷ đồng ngân sách thuộc chi tiêu công.
Thứ tư, xã hội hóa giáo dục góp phần làm trong sạch bộ máy. Xã hội hóa giáo dục ở đâu thì ở đó bớt đi cơ hội xuất hiện các tiêu cực trong tổ chức và nhân sự. Các trường ngoài công lập thường không tồn tài việc chạy chức, chạy quyền và bớt các thủ tức có dấu hiệu tiêu cực đang tồn tại trong công tác tuyển dụng, thi tuyển,…
Xã hội hóa giáo dục mầm non
Để tiến hành xã hội hóa giáo dục, cần thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần huy động xã hội tham gia xây dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục. Môi trường bao gồm môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Yêu cầu là phải dựa vào lực lượng của toàn xã hội để đảm bảo cho các môi trường trên được lành mạnh, có tính tích cực và nhất là có tính thống nhất trong việc tác động hình thành nhân cách cho trẻ.
Thứ hai, cần tạo môi trường giáo dục lành mạnh, vận động toàn dân chăm lo thế hệ trẻ, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội vì mục tiêu giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nên cần huy động toàn xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia. Cộng đồng hóa trách nhiệm đối với hoạt động giáo dục còn là sự thu hút mọi lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục của nhà trường với các tiềm năng, khả năng đa dạng phong phú và kinh nghiệm mà lực lượng này mang lại theo từng nội dung, yêu cầu cụ thể của nhà trường.
Thứ ba, các lực lượng xã hội và cá nhân có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục bằng cách tổ chức các cơ sở giáo dục thuộc mọi thành phần kinh tế bên cạnh các cơ sở giáo dục của Nhà nước. Các cơ sở giáo dục bán công lập, dân lập, tư thục từ mầm non đến đại học sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển giáo dục, giảm gánh nặng đầu tư cho Nhà nước và tạo điều kiện cho giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, việc đầu tư của Nhà nước cho giáo dục không ngừng gia tăng nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển giáo dục cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế cần huy động toàn xã hội đầu tư các nguồn lực cho giáo dục gồm nhân lực, tài lực, vật lực,…để xây dựng trường lớp, tăng cường trang thiết bị giáo dục và đội ngũ giáo viên chất lượng.
Vai trò của xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam là gì?
Những rào cản đối với xã hội hóa giáo dục bao gồm:
Thứ nhất, nhiều người khởi xướng đổi mới giáo dục nhưng chưa thoát ra khỏi sức ỳ của cách làm, cách nghĩ cũ. Mặc dù có những trì trệ liên quan đến cơ chế cần đổi mới nhưng đổi mới bằng cách nào vẫn là một câu hỏi lớn cho các nhà làm công tác giáo dục.
Thứ hai, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động mạnh đến cả lĩnh vực giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là một mắt khâu của công cuộc đổi mới, giáo dục luôn bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội. Đó là rào cản của quá trình đổi mới giáo dục nói chung và xã hội hóa giáo dục nói riêng. Những tiêu cực trong ngành sẽ khiến ngành giáo dục khó tuyển chọn được người giỏi và tâm huyết.
Thứ ba, có sự cạnh tranh không công bằng giữa khu vực đào tạo công lập và đào tạo ngoài công lập. Do chưa có quy định rành mạch giữa đơn vị hành chính công quyền với đơn vị sự nghiệp nên dẫn đến tình trạng thêm người sẽ thêm ngân sách và cơ sở vật chất. Điều này dẫn đến hiện tượng tranh nhau “vét” thí sinh,…
Xã hội hóa giáo dục theo hướng nhà nước chuyển giao có lộ trình tích cực, không bị giới hạn cho khu vực ngoài công lập, là xu hướng chung của toàn thế giới. Đây là hình thức huy động nguồn lực chính đáng, làm cho cơ sở vật chất của xã hội nhiều lên. Do đó, xã hội hóa giáo dục cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức khái quát xoay quanh khái niệm xã hội hóa giáo dục là gì. Luận Văn 99 hy vọng đã mang đến cho bạn những nội dung kiến thức phù hợp, giải đáp các câu hỏi mà bạn đọc đang gặp phải.
- VP Hà Nội: Tòa nhà Nam Đô, 609 Trương Định, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
- VP HCM: Tòa nhà Dali, 24C, Phan Đăng Lưu, P.6, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0989-546-803
Email: dichvuluanvan99@gmail.com
Copyright © 2008 by LV99 - Top các dịch vụ viết thuê luận văn uy tín