Trong quá trình phát triển kinh tế luôn tồn tại những biến động khó lường như sự thay đổi về cung cầu, sản lượng, lạm phát,… khiến cho nền kinh tế của một quốc gia hoặc toàn cầu thay đổi. Những biến đổi này thường xảy ra theo chu kỳ và được gọi là “chu kỳ kinh tế”. Vậy chu kỳ kinh tế là gì? Chúng ta hãy cùng tìm lời giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
Về khái niệm, chu kỳ kinh tế (Tiếng Anh: Economic cycle) hay chu kỳ kinh doanh có thể được định nghĩa là sự biến động giữa các giai đoạn mở rộng và thu hẹp của nền kinh tế. Người ta có thể coi mở rộng là thời kỳ tăng trưởng, và thu hẹp là thời kỳ suy thoái của nền kinh tế theo thời gian. Các nhà kinh tế đánh giá chu kỳ kinh tế hiện tại bằng cách phân tích các yếu tố như lãi suất, mức việc làm, sức mua của người tiêu dùng, GDP hoặc tổng sản phẩm quốc nội, v.v. của một quốc gia... Trong đó, yếu tố thường dùng nhất trong đo lường chu kỳ kinh tế là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia hoặc khu vực. Các yếu tố kinh tế khác, chẳng hạn như tỷ lệ việc làm, chi tiêu tiêu dùng và lãi suất, cũng có thể được sử dụng để xác định giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
Chu kỳ kinh tế là trọng tâm quan trọng của nghiên cứu và chính sách kinh tế. Việc hiểu biết sâu sắc về các chu kỳ kinh tế có lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Họ cũng cần quản lý chiến lược của mình về các chu kỳ kinh tế, không phải kiểm soát quá nhiều mà để tồn tại và có thể thu được lợi nhuận từ chu kỳ kinh tế.
Chu kỳ kinh tế khác nhau giữa các quốc gia và được phát hiện và giám sát bởi Ngân hàng Trung ương. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm theo dõi những diễn biến của chu kỳ kinh tê.
Khái niệm chu kỳ kinh tế là gì?
Trên thực tế, nguyên nhân của các chu kỳ kinh tế hiện vẫn là vấn đề nghiên cứu gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học trong nhiều thập kỷ qua.
Theo quan điểm của trường phái tư tưởng kinh tế tiền tệ, chu kỳ kinh tế liên quan đến chu kỳ tín dụng. Việc tăng hoặc giảm lãi suất có thể làm cho nền kinh tế tăng trưởng hoặc giảm sút.
Một cách tiếp cận khác của Keynes cho rằng những biến động của tổng cầu thị trường do sự không nhất quán và nhu cầu đầu tư không ổn định đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra các chu kỳ kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học như Irving Fisher không ủng hộ khái niệm cân bằng, và nhận định rằng có sự chuyển dịch dần dần trong các lĩnh vực mất cân bằng với việc các nhà sản xuất liên tục đầu tư nhiều hơn hoặc ít hơn, và sản xuất nhiều hơn hoặc ít hơn với mục đích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trở thành lý do chính mà các chu kỳ kinh doanh tồn tại.
Xem thêm:
➢ Chính sách tài khóa là gì? Phân loại và các công cụ chính sách tài khóa
Như định nghĩa đã được đề cập ở trên, chu kỳ kinh tế là sự biến động của sản lượng quốc gia mà cụ thể là chỉ tiêu về GDP (chỉ tiêu đo lường tổng giá trị bằng tiền của hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong nước trong một thời kỳ thường tính bằng 1 năm. Những hàng hóa và dịch vụ này được các tác nhân kinh tế mua sắm và phục vụ cho nhu cầu cá nhân và sản xuất kinh doanh. Cho nên, tổng cầu là yếu tố xác định quy mô của GDP. Sự tăng giảm của tổng cầu là sự thay đổi các thành phần trong nó như chi tiêu của hộ gia đình, doanh nghiệp,chính phủ hay người nước ngoài,…Đồng thời, hành vi tiêu dùng của các tác nhân này lại chịu sự tác động của các nguyên nhân bên trong và bên ngoài của nền kinh tế.
Các lý thuyết ngoại sinh cho rằng cội nguồn của các chu kỳ kinh tế xuất phát từ những biến động ngoài hệ thống kinh tế như chính trị, thời tiết, dân số, chiến tranh, phát kiến khoa học,…
Các lý thuyết nội sinh đi tìm những cơ chế bên trong của bản thân hệ thống kinh tế dẫn đến sự hình thành của chu kỳ kinh tế. Theo đó, sự mở rộng đều nuôi dưỡng sự suy thoái và thu hẹp và sự thu hẹp bản thân nó cũng tồn tại sự hồi sinh và mở rộng. Mọi giai đoạn đều lặp lại theo quy luật và theo chu kỳ.
Các nhân tố tạo nên chu kỳ kinh tế là gì?
Mô hình gia tốc- số nhân của P. Samuelson: tác giả cho rằng những biến động ngoại sinh được lan truyền bằng một số nhân đi kèm lý thuyết đầu tư gọi là gia tốc, tạo ra những dao động chu kỳ có tính quy luật của sản lượng. Đầu tư là nhân tố quan trọng chi phối chu kỳ kinh tế.
Theo lý thuyết tiền tệ: Chu kỳ kinh tế hình thành do sự mở rộng hay thắt chặt của tiền tệ và tín dụng. Trong đó, cung tiền là yếu tố quyết định tăng trưởng ở mỗi quốc gia và tác động trực tiếp đến giá cả, sản lượng và việc làm.
Lý thuyết chu kỳ kinh tế chính trị: Các chính trị gia gây nên các dao động của sản lượng thông qua việc sử dụng các chính sách kinh tế vĩ mô vào mục đích cá nhân nhằm mục tiêu tái đắc cử.
Lý thuyết chu kỳ kinh tế: Nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh tế bắt nguồn từ nhận thức sai lầm về tiền lương và giá cả của công nhân, khiến cung lao động trở nên quá ít hay hoặc nhiều dẫn đến sự thay đổi của sản lượng và việc làm.
Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực tế: Lý thuyết này lại khẳng định các tiến bộ về công nghệ là yếu tố tạo nên biến động chu kỳ của sản lượng quốc gia. Tức là sự tác động của tiến bộ công nghệ trong một khu vực kinh tế có thể lan truyền đến các khu vực khác tạo ra sự thu hẹp hay mở rộng quy mô sản lượng toàn nền kinh tế.
Mỗi lý thuyết đều có quan điểm riêng để giải thích sự hình thành của chu kỳ kinh tế, dù mâu thuẫn nhau nhưng đều chứa đựng các yếu tố hiện thực tạo nên các chu kỳ kinh tế.
Bài viết cùng chuyên mục:
➢ Danh sách đề tài Luận văn thạc sĩ Tài chính ngân hàng xuất sắc 2022
Một chu kỳ kinh tế điển hình sẽ bao gồm 4 giai đoạn chính, cụ thể:
Các giai đoạn của chu kỳ kinh tế
Giai đoạn phục hồi: Ở giai đoạn này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động kinh tế khác ổn định và bắt đầu tăng trưởng. Việc sa thải nhân viên tại các doanh nghiệp đã giảm dần nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội vẫn còn cao, doanh nghiệp có xu hướng tuyển lao động thời vụ và yêu cầu lao động hiện tại làm tăng ca thay vì tuyển mới. Tại giai đoạn này, việc đầu tư vào bất động sản, chi tiêu cho hàng hóa lâu bền có xu hướng tăng và các đơn đặt hàng các trang thiết bị sản xuất đơn giản cũng tăng theo. Lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục giảm.
Giai đoạn tăng trưởng mạnh: Các chỉ tiêu đo lường như GDP bắt đầu tăng mạnh, doanh nghiệp bắt đầu tuyển nhân viên toàn thời gian và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Việc đầu tư và chi tiêu bắt đầu tăng rõ rệt cùng với việc các doanh nghiệp chú trọng đặt hàng các thiết bị phức tạp với các ngành công nghiệp nặng và xây dựng. Lạm phát ở giai đoạn này có xu hướng tăng nhẹ.
Giai đoạn đỉnh: Các chỉ tiêu đo lường có sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp bắt đầu giảm việc tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm với tốc độ chậm. Việc chi tiêu cho bất động sản và tài sản cố định tăng nhưng với tốc độ chậm. Lạm phát bắt đầu tăng tốc.
Giai đoạn suy thoái: Ở giai đoạn suy thoái, các chỉ tiêu đo lường bắt đầu suy giảm hoàn toàn. Các doanh nghiệp thực hiện việc giảm giờ giảm việc, ngừng tuyển thêm lao động mới và nếu tình hình vẫn tiếp tục xấu đi sẽ bắt đầu sa thải nhân viên khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng. Việc chi tiêu trong các ngành công nghiệp, đầu tư bất động sản và các hàng hóa lâu bền cũng giảm. Lạm phát bắt đầu giảm tốc nhưng có độ trễ nhất định.
Đặc điểm của chu kỳ kinh tế
Chu kỳ kinh tế là một đề tài thực tiễn được các nhà kinh tế học vĩ mô quan tâm vì mỗi dao động của chu kỳ đều hàm chứa các biến động của các biến số kinh tế vĩ mô.
Với các nhà kinh tế học, việc xác định chính xác diễn biến của chu kỳ kinh tế là chủ đề được quan tâm hàng đầu và là mục tiêu quan trọng để chứng minh các lý thuyết kinh tế vĩ mô bởi các lý thuyết này được rút ra từ thực tiễn và được sử dụng để phân tích các vấn đề và tình huống kinh tế đang và sẽ xảy ra. Mỗi giai đoạn trong chu kỳ kinh tế đều là kết quả của các tác động tổng hợp gồm nhiều yếu tố và các yếu tố này đều có quan hệ với nhau.
Với các nhà hoạch định chính sách, việc tính được quy luật của chu kỳ kinh tế sẽ giúp họ đề ra các chính sách hữu hiệu, ngăn cản giai đoạn sa sút và sự phát triển quá nóng của nền kinh tế. Tức là, các nhà chính trị cần có thông tin đầy đủ và phương pháp dự báo của chu kỳ kinh tế hợp lý nhằm chủ động đối phó với những thăng trầm trong chu kỳ kinh tế.
Với những người nghiên cứu kinh tế không chuyên, việc nghiên cứu chu kỳ kinh tế là bước đầu tiên và đơn giản nhất để tiếp cận khoa học kinh tế. Các lý thuyết vĩ mô giúp chúng ta làm sáng tỏ nguồn gốc của các dao động trong một chu kỳ nên người nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các kiến thức trừu tượng khác của kinh tế học.
Cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2008 đã khiến nền kinh tế ngay lập tức thu hẹp 2,3% trong quý đầu tiên của năm 2008 và phục hồi 2,1% trong quý thứ hai. Tiếp theo đó, nó thu hẹp thêm 2,1% trong quý thứ ba và giảm mạnh 8,4% trong quý thứ tư. Nền kinh tế đã trong quý đầu tiên của năm 2009 giảm mạnh 4,4%. Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,9% trong tháng 1 lên 7,2% vào tháng 12.12
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, mức đáy xảy ra vào cuối quý hai năm 2009 khi GDP chỉ giảm 0,6% nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 9,5% do tính chất tụt hậu của nó.
Giai đoạn mở rộng bắt đầu vào quý 3 năm 2009 khi GDP tăng 1,5% nhờ các gói hỗ trợ kích thích tiêu dùng từ Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục trầm trọng hơn, chạm mốc 10,2% vào tháng 10. Bốn năm sau giai đoạn mở rộng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 7%, bởi vì giai đoạn suy thoái quá khắc nghiệt.
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nội dung của chu kỳ kinh tế. Có thể thấy rằng, hậu quả mà chu kỳ gây ra tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên việc tìm hiểu về chu kỳ kinh tế là gì và đưa ra những phán đoán để dự bị là điều cần thiết nhằm duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Luanvan99.com hy vọng những kiến thức này đã mang lại cho bạn nguồn thông tin hữu ích.
- VP Hà Nội: Tòa nhà Nam Đô, 609 Trương Định, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
- VP HCM: Tòa nhà Dali, 24C, Phan Đăng Lưu, P.6, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0989-546-803
Email: dichvuluanvan99@gmail.com
Copyright © 2008 by LV99 - Top các dịch vụ viết thuê luận văn uy tín